Món Chả cá Lã Vọng là một trong những món ăn danh bất hư truyền nổi tiếng đất thủ đô. Nói đến hương vị ẩm thực đặc sắc của vùng đất Hà thành ngàn năm văn hiến, người dân Hà Nội cũng như bạn bè quốc tế có thể kể vanh vách các món như bún chả, phở… và nếu không nhắc đến chả cá Lã Vọng thì đó là một sự thiếu sót nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu xem điều gì đã làm nên hương vị mê người của món chả cá này cũng như câu chuyện về nguồn gốc món ăn qua bài viết dưới đây!
👍 Ngoài chả cá Lã Vọng, chả cá Thu, chả cá Nhạc cũng là những món chả cá nổi tiếng được nhiều thực khách săn đón.
👣 Đừng quên ghé Cửa hàng Đặc sản Bá Kiến để mua chả cá ngay hôm nay!
Chả cá Lã Vọng – nét tinh hoa ẩm thực Hà thành
Đến với ẩm thực thủ đô, thực khách sẽ không thể không nhắc đến những món ăn làm nên sắc- hương- vị của ẩm thực Hà thành xưa. Có thể kể đến như bún chả Hà Nội, phở Hà Nội, bánh tôm Tây Hồ, cốm làng Vòng… Còn một món ăn nữa cũng rất nổi tiếng và được nhiều người yêu thích nhất định phải thưởng thức qua khi đến với Hà Nội nếu không thì sẽ tiếc nuối, đó là chả cá Lã Vọng.
Vậy Chả cá Lã Vọng có gì đặc biệt mà được nhiều người săn đón đến vậy? Chả cá Lã Vọng thường làm từ cá lăng. Loại cá này ít xương, ngọt thịt và thơm. Đặc biệt vô cùng hiếm hoi là làm từ cá Anh Vũ bắt ở ngã ba sông Bạch Hạc ( Việt Trì- Phú Thọ). Tìm hiểu kĩ mới biết loại cá Anh Vũ này vô cùng hiếm và quý. Cá thuộc họ cá chép chúng thường sống ở nơi đầu nguồn các con sông, bờ sông và đáy sông có nhiều đá, nơi có nguồn nước sạch và thượng nguồn sông Lô là nhiều nhất. Cá Anh Vũ đẻ trứng ở trong hang đá và ăn rêu xanh mọc trên đá. Một điều thú vị là chúng thường miết môi để nhổ rêu trên đá nên cặp môi phát triển một cách bất thường đến nỗi miệng chúng nhìn trông giống miệng heo. Tương truyền dưới đời vua Hùng thứ ba, dân chài bắt được cá Anh Vũ, hình dáng đặc biệt, thịt thơm ngon nên mới đem tiến vua. Sau khi thưởng thức, vua khen ngon mà ngon nhất là cặp môi. Từ đó, khi dùng thiện, vua chỉ dùng môi cá. Đầu bếp đã chế biến ra rất nhiều món ăn khác nhau từ thịt cá Anh Vũ mời các quan cùng thưởng thức. Các ngự y nghiên cứu, ngoài cặp môi cá ngon thịt cá cũng là một thực- dược phẩm bổ dưỡng có tác dụng “chế dương bồi âm”. Ăn chả cá Lã Vọng được chế biến từ cá Anh Vũ chỉ có cầu mà khó gặp.
Thưởng thức chả cá Lã Vọng chính gốc bạn phải tìm đến số nhà 14 phố Chả Cá ( trước là phố Hàng Sơn), quận Hoàn Kiếm. Gia đình họ Đoàn là chủ sở hữu thương hiệu chả cá Lã Vọng nổi tiếng có từ lâu đời ở Hà Nội. Bắt đầu từ một gia đình. Ngôi nhà số 14 lọt vào danh sách ” 1000 nơi nên biết trước khi chết” của Patricia Schultz . Năm 2003 được hãng đưa tin Mỹ MSNBC xếp thứ 5 trong 10 nơi nên biết trước khi chết cùng với 9 trên 10 địa danh, lễ hội nổi tiếng trên thế giới. Năm 2016, chả cá Lã Vọng được CNN đánh giá là một trong những món Việt ngon nhất thế giới.
Người Hà Nội xưa luôn đánh giá cao sự tinh tế, thanh nhã nhưng cũng cầu kỳ khó tính trong thưởng thức ẩm thực. Có lẽ cũng vì nguyên nhân này mà món chả cá Lã Vọng mặc dù dân dã nhưng lại trở thành một nét ẩm thực tinh túy đặc trưng của Hà thành, khẳng định thương hiệu trong nhiều năm qua.
Không cần cao sang như bít- tết, rượu vang của người phương Tây. Nguyên liệu của món ăn này dân dã đến bình thường. Đồ ăn kèm của món chả cá này thì phong phú, đa dạng như bún rối, rau thơm, húng láng, hành lá, lạc rang xóc vỏ,…những thứ mà dễ kiếm nhất ở Việt Nam. Đồ chấm thì dùng mắm tôm thêm vài giọt tinh dầu cà cuống vào mới chuẩn vị. Bạn có thể thay bằng nước mắm nhưng chắc chắn sẽ giảm đi phần nào hương vị của món chả cá này. Cá lăng được lọc ra lấy phần lườn, thái khúc vừa khẩu. Đem ướp với nước cốt được làm từ riềng, nghệ, mẻ, mắm tôm ngon, hạt tiêu trong 2 tiếng đồng hồ. Sau đó đme từng miếng cá xếp dàn đều lên vỉ nướng, nướng chín tới. Người phục vụ sau đó sẽ cho cá vào một cái ang sành có trong đó một lớp mỡ mỏng đang sôi trên lò than đang rực hồng. Tiếp theo họ sẽ gạt thì là thái sẵn, phần củ trắng hành lá chẻ nhỏ vào đảo nhanh như chần sơ qua. Trông mà kích thích tất cả các giác quan. Chúng kết hợp lại với nhau mới tạo ra cái “hồn” của món ăn, món chả cá Lã Vọng ” tuyệt sắc đầy mê hoặc này”.
Nguồn gốc của món chả cá Lã Vọng
Nguồn gốc của món Chả cá Lã Vọng cũng không phải truyền thuyết gì đó quá huyễn hoặc. Thực khách đến số nhà 14 phố Chả Cá sẽ được nghe kể một cách chân thực nhất về một câu chuyện xưa. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà số 14 phố Hàng Sơn thuộc sở hữu của một gia đình họ Đoàn sinh sống. Họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà có tay nghề đầu bếp giỏi, họ hay làm món chả cá rất ngon dùng để đãi khách. Hương vị thơm ngon khiến mọi người khen nức nở. Vì vậy nghĩa quân đã giúp nhà họ Đoàn mở một quán ăn với món chả cá là món chiêu bài. Quán ăn giúp nuôi sống các thành viên trong gia đình cũng như là nơi để che mặt thực dân, hội họp của nghĩa quân. Về sau cả khu phố đều làm món chả cá này, hai tiếng ” Chả Cá” được trang trọng đặt tên cho khu phố này.
Vậy tại sao lại gọi là chả cá Lã Vọng? Nguyên nhân đó là trong quan ở số 14 phố Chả Cá có dựng tượng ông Lã Vọng hay còn gọi là Khương Tử Nha. Xưa thời Xuân Thu chiến quốc có ông Khương Thượng, tên chữ Tử Nha, thuộc dòng dõi Bá Di. Bá Di theo vua Vũ trị thủy Hoàng Hà có công lớn được phong cho đất Lã nên người đời còn gọi ông là Lã Thượng ( ông Thượng đất Lã) hoặc Lã Vọng ( vọng là đón chờ, chờ đợi ). Chuyện kể lại rằng Tây Bá-Cơ Xương, thủ lĩnh bộ tộc Chu đang trong thời kì mưu nghiệp lớn. Trong một cuộc đi săn ngang qua bắc Vị Hà, con sông chảy qua thành Trường An thì bắt gặp một sự việc kì lạ. Đó là thấy một người câu cá, nhưng lại sử dụng lưỡi câu thẳng tắp, người ấy chính là Khương Tử Nha. Cơ Xương thấy vậy bèn hỏi. Khương lão cười mà trả lời “Lưỡi câu bình thường chỉ câu được cá, lưỡi câu này mới câu được minh chủ”. Cơ Xương ngồi xuống nói chuyện với Khương Tử Nha về binh pháp, về đạo trị quốc… và vô cùng kinh ngạc trước tài năng cũng như học thức của ông. Cơ Xương nghĩ lại khi gieo quẻ trước cuộc đi săn, cha mình là Thái Công có nói” Hôm nay sẽ có một vị thánh đến giúp Chu gia”. Vì thế Cơ xương đã tôn ông làm Thầy, gọi là Thái Công Vọng. Từ đó Khương Tử Nha giúp nhà Chu mạnh lên, chống lại Thương, khi Cơ Xương mất thì giúp con của ông là Cơ Phát diệt trừ nhà Thương lập lên nhà Chu hùng mạnh kéo dài hơn 800 năm. Từ đó câu tục ngữ ” câu cá chờ thời” trở thành một điển cố để nói về những người tài náu mình đợi cơ hội của người Trung Quốc.
Việc đặt tượng Lã Vọng ở quán vừa liên quan đến việc ” câu cá” vừa liên quan đến việc ” chờ thời” của nhà họ Đoàn khi giúp nghĩa quân chăng?
Trước đây con phố này có tên phố Hàng Sơn. Sách viết lúc đầu con phố chỉ là một ngõ nhỏ, đi vừa một xe tay. Một số người Phú Thọ đến đây để buôn bán sơn sống trung du chuyên để sơn gắn đồ gỗ, thuyền, nan, lâu ngày nó phát triển ra thành khu phố. Thời Pháp thuộc nó có một cái tên rất Tây là Rue de la laque. Sau năm 1945 không ai bán sơn ở đây nữa, dần dà khu phố nổi tiếng vì có một quán Chả Cá. Người ta gọi là phố Chả Cá mặc dù chỉ có một nhà duy nhất bán. Khi đất nước giải phóng người ta vẫn giữ nguyên tên gọi.
Mỗi dịp đến Hà Nội, ghé vào cái quán Chả Cá số nhà 14, men theo chiếc cầu thang gỗ cũ, bước trên sàn gỗ cũ nghe những tiếng cộc cộc đưa ta vào không gian cổ kính xưa kia, ngồi chiếc ghế cũ nhâm nhi vài cút rượu, ngửi hương thơm từ chảo chả cá, tán dóc vài câu chuyện cũng là một cái thú của người Tràng An thanh lịch.
Cách làm món chả cá Lã Vọng tại nhà
Chuẩn bị nguyên liệu
- Nguyên liệu quan trọng nhất của món Chả cá Lã Vọng nổi danh này đó là cá lăng vì nó ít xương, khi nướng thịt giòn, dai, không bị bở và thơm hơn các loại cá khác. Ngon nhất là dùng cá Anh Vũ, nhưng loại cá này rất quý và hiếm không phải ai cũng tìm kiếm được. Nếu không có cá bạn có thể thay thế bằng cá nheo, cá quả… Đối với món ăn này bạn nên mua cá lăng tươi sống, chọn con to, nhiều thịt, bơi khỏe để món ăn đảm bảo cho ra đúng hương vị nhất.
- Rau sống ăn kèm có lá mơ, rau ngổ, sung, chuối xanh, khế, húng láng, đinh lăng, gừng…
- Các loại rau gia vị đi kèm gồm có rau thơm, húng láng, thì là, hành lá…
- Gừng, riềng, tỏi, ớt, nghệ… cũng không thể thiếu.
- Gia vị ướp gồm hạt tiêu, mắm tôm, nước mắm, mẻ… với món này chúng ta sẽ dùng mỡ thay vì dầu ăn bình thường vì dầu nhiệt đôi sôi thấp hơn làm chả cá kém đi hương vị và độ béo ngậy.
- Đừng quên mua thêm bún rối ăn kèm. Lạc rang chín dã rối.
- Một chút rượu trắng để khử tanh cũng như ướp cá làm tăng thêm hương vị.
- Tinh dầu cà cuống tạo nên vị đặc trưng cho món chả cá.
- Ăn chả cá Lã Vọng đúng cách bạn cần chuẩn bị than củi, một vỉ nướng, một chiếc chảo và bếp mini có thể đặt trên bàn ăn để giúp món chả cá luôn luôn giữ được nhiệt độ nóng hổi khi ăn.
Chế biến món chả cá Lã Vọng
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Bước đầu tiên đó là sơ chế các nguyên liệu. Cá lăng rửa sạch, đêm lọc lấy thịt ở hai bên sườn, thái khúc dày khoảng 1 cm. Riềng, gừng, tỏi, ớt, nghệ bạn đem cạo hoặc bóc vỏ cho sạch sau đó cho vào máy xay để xay nhuyễn. Thêm mẻ sống vào cùng, xay lại lần nữa để trộn đều. Dùng một chiếc khăn vải xô để vắt nguyên liệu lấy nước cốt. Nếu ướp tất cả phần cái khi nướng cá dễ bị cháy. Trộn thêm các gia vị như hạt tiêu, nước mắm, chút rượu trắng ngon tùy theo khẩu vị của bạn vào. Đem phần nước cốt này ướp vào những lát cá. Thực ra đây là cách làm đơn giản cho bạn tại nhà. Còn để làm đúng ra được hương vị của nhà họ Đoàn thì phải có công thức bí truyền tạo nên thương hiệu mà khó ai biết được. Nhưng như vậy thôi cũng đủ để bạn cảm nhận được phần nào vị ngon của nó rồi. Ướp ít nhất trong 2 giờ đồng hồ để đảm bảo gia vị ngấm được vào từng thớ thịt cá nhé.
- Các loại rau sống sống thì nhặt rồi rửa sạch. Chuối xanh đem tước đi phần vỏ bên ngoài rồi đem nâm cả quả trong nước muối loãng khoảng 10-15 phút để không bị thâm, làm mất đi tính thẩm mỹ. Sau đó đem thái lát mỏng. Khế ta cũng đem rửa sạch, thái lát. Gừng thì đem thái sợi.
- Hành lá cắt lấy phần đầu trắng đem chẻ ra. Thì là, rau thơm, lá hành thì cắt khúc dài khoảng 3 đốt ngón tay.
Bước 2: Nướng cá
- Mồi lửa nhóm bếp cho tới khi than hồng đều.
- Xếp lần lượt từng miếng cá đã được tẩm ướp gia vị kĩ càng lên vỉ nướng, đậy nắp vỉ lại rồi để lên bếp.
- Trở đều tay hai mặt của vỉ nướng để cá được chín đều mà không bị cháy. Đây cũng là một bước rất quan trọng. Bạn không nên sử dụng loại bếp khác để nướng vì chỉ có nướng bằng than củi mới giữ được nguyên vẹn hương vị của cá lăng cũng như các gia vị mà không bị ám các mùi tạp chất khác. Nướng cá cũng là một nghệ thuật, không nên để lửa quá to mà cá nhanh chá và bị khô, nhưng nếu lửa quá nhỏ thì cá không đủ độ chín và giòn.
Bước 4: Pha nước chấm
Nước chấm chuẩn vị nhất cho món Chả cá Lã Vọng này đó là mắm tôm. Bạn phải tìm được mắm tôm thật ngon. Thêm vào đó nước cốt chanh, ớt thái nhuyễn, vài giọt rượu trắng, một chút đường và đừng quên cho vào đó chút tinh dầu cà cuống nhé. Dùng đũa đành đều tay cho đến khi sủi bọt trắng lên là ta đã được một bát nước chấm thơm ngon đậm đà rồi.
Bước 5: Hoàn thành món chả cá Lã Vọng
Bước cuối cùng này là bước giữ nhiệt cho món ăn. Đặt chảo lên bếp. Cho thêm một chút mỡ tráng đều lòng chảo. Nghe một số đầu bếp kháo nhau thì muốn ngon phải dùng bằng mỡ chó (điều làm nên hương vị đặc biệt của món chả cá ) hoặc là thường thì người ta sẽ kết hợp giữa mỡ heo, mỡ cá và mỡ gà để tạo nên sự béo ngậy. Khi tất cả mọi người đã quây quần đầy đủ bên bàn ăn thì chúng ta mới thực hiện bước cuối cùng này để đảm bảo món ăn luôn nóng hổi.
Khi mỡ đã nóng già thì đổ cá nướng vào, chiên cho tới khi thịt cá săn lại thì cho các rau gia vị gồm hành lá, thì là, rau thơm vào đảo cùng. Bạn không cần đảo quá lâu, chúng ta chỉ cần đảo sơ như một cách chần qua cho chín tới là được.
Mở lửa nhỏ liu riu để cá luôn ấm nóng, vậy là bạn có thể thưởng thức ngay cùng mọi người rồi.
>> Xem thêm:
Thưởng thức chả cá Lã Vọng đúng cách
Thưởng thức chả cá lã Vọng đúng cách cũng tinh tế như cách trang trí món ăn vậy.
Nhón từng món nguyên liệu phụ vào bát. Nào là các loại rau sống, rồi lạc rang, chuối xanh, khế chua… Cái vị hơi chát chát của chuối xanh ăn rất hợp với món chả cá này đấy nhé. Đi cùng với nó là những lát khế xanh như ngọc chua chua kích thích vị giác. Thêm vào một chút bún rồi. Gắp một miếng chả cá vàng ươm, đậm vị, thơm nức mũi đang tỏa khói ấm áp trong chảo nóng vào. Cuối cùng gia giảm thêm một chút mắm tôm nữa vào là đủ vị. Với một số người sành ăn thì họ cho thêm vào một lát chanh thái mỏng nữa rồi mới thưởng thức. Đây là một trong những cách giúp bạn nuông chiều vị giác của mình.
Địa chỉ bán chả cá Lã Vọng ngon
Ngày nay không chỉ có một địa chỉ bán chả cá Lã Vọng, bạn có thể thưởng thức nó ở rất nhiều nơi ở cả thành phố Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh. Giá một suất chả cá Lã Vọng trung bình khoảng 120.000 đống- 200.000 đồng. Tham khảo một số địa chỉ bán Chả cá Lã Vọng ngon:
Địa chỉ bán chả cá Lã Vọng tại Hà Nội
Chả cá Lã Vọng chính gốc
- Địa chỉ: số 14 phố Chả Cá, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và 107 Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá tham khảo 175.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 9h00-23h00.
Chả cá Kinh Kì
- Địa chỉ: số 43 Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Giá tham khảo: 150.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 10h00-22h00.
Chả cá Thăng Long
- Địa chỉ: số 21 Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
- Giá tham khảo: 125.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 8h00-23h00.
Quán ăn ngon
- Địa chỉ: Tầng 1 nhà A2 Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
- Giá tham khảo: 150.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 10h00- 22h00.
Chả cá Anh Vũ
- Địa chỉ: số 120 K1 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.
- Giá tham khảo: 130.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 9h00-21h30.
Lão Ngư chả cá
- Địa chỉ: số 171 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội.
- Giá tham khảo:120.000 đồng/1 suất.
- Giờ mở cửa: 9h00-22h00.
Chuỗi nhà hàng Vua Chả Cá
- Địa chỉ: .Vua Chả Cá Nguyên Thị Đinh (số 48 Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy). Vua Chả Cá Lê Đức Thọ (121A Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm), Vua Chả Cá Giảng Võ (số 268 Giảng Võ, quận Đống Đa), Vua Chả Cá Mai Hắc Đế (76A Mai Hắc Đế, quận Hai Bà Trưng).
- Giá tham khảo: 180.000-200.000 đồng/ 1 suất.
- Giờ mở cửa: 10h00-22h00.
Địa chỉ bán chả cá Lã Vọng tại thành phố Hồ Chí Minh
Nhà hàng Chả cá Hà Nội
- Địa chỉ: 33 đường số 10, Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Chuỗi nhà hàng Chả cá Lã Vọng
Địa chỉ:
- Số 36, Tôn Thất Nghiệp, phường Bến Nghé, quận 1.
- Số 3 Hồ Xuân Hương, phường 6, quận 3.
- Số 1000 Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7.
- Số 106 Hoa Phượng, phường 2, quận Phú Nhuận.
Nhà hàng Chả cá Hà Nội Xưa
- Địa chỉ: số 42 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình.
Nhà hàng Làng Bún
- Địa chỉ: số 107 Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1.
Nhà hàng Hà Nội xưa
- Địa chỉ: số 80C, Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình.
Một ăn ăn thơm ngon nức tiếng cả trong và ngoài nước, Chả cá Lã Vọng Hà Nội còn mang đậm nét ẩm thực truyền thống của người Tràng An. Thưởng thức món ăn giúp bạn cảm nhận được sự thanh tao, tinh túy, đặc sắc nhất của món ngon bậc nhất Hà thành.