Cuối tuần này bạn có dự định chưa? Trong cái tiết trời chuyển lạnh thế này mà cả gia đình cùng nhau thưởng thức một bữa lẩu cá trắm đen thì còn gì bằng. Nếu bạn ngại ăn lẩu cá vì sợ tanh lại có xương thì hãy chọn cá trắm nhé. Đây là loại cá có ít xương nhỏ, thịt lại ngon. Và khi được chế biến theo sự hướng dẫn dưới đây thì chắc chắn nó sẽ trở thành món tủ của tất cả mọi người cho mà xem.
Cần chuẩn bị nguyên liệu gì để làm lẩu cá trắm đen
Để làm món lẩu cá trắm đen chúng ta cần có những nguyên liệu sau:
- Cá trắm đen 2kg.
- Xương ống 400 gram.
- Ba chỉ bò Mỹ 500 gram.
- Thịt bò 300 gram.
- Ngao 1 kg
- Mực tươi 500 gram.
- Tôm tươi 600 gram.
- Dạ dày 300 gram.
- Lòng non 500 gram.
- Đậu phụ 3 bìa.
- Váng đậu.
- Một số loại nấm như kim châm, nấm đùi gà, nấm tuyết,…
- Cà chua 500 gram.
- Ngô ngọt.
- Gói lẩu thái.
- Gừng, ớt, chanh, thì là, hoa hồi, thảo quả.
- Các gia vị: mắm, muối, bột canh, bột ngọt, sa tế…
Rau gì nhúng lẩu cá trắm đen vừa ngon vừa hợp vị?
Đối với các món lẩu cá có một nhược điểm đó là có mùi tanh đến từ cá. Vậy nên nếu bạn không khử tốt mùi tanh này thì khi ăn sẽ làm giảm đáng kể hương vị thơm ngon của món ăn đấy. Các loại rau nhúng lẩu cũng vậy, chúng ta cần chọn loại phù hợp với lẩu cá. Có thể chuẩn bị các loại rau sau:
- Rau muống: Đây là loại rau dân giã hợp với hầu hết các loại lẩu khác nhau từ lẩu thái chua cay, lẩu hải sản cho đến lẩu cá. Khi nhúng ăn có vị ngọt và giòn. Để ngon hơn thì chúng ta sẽ sử dụng nhiều phần cóng non và tỉa bớt lá đi.
- Các loại rau cải: Họ nhà cải thì có rất nhiều loại ăn với lẩu rất ngon như cải cúc, cải ngồng, cải thảo, cải ngọt.
- Xà lách: Nhiều người nghĩ rằng xà lách là loại rau thường dùng để ăn sống thay vì các món luộc hay xào. Thế nhưng xà lách nhúng lẩu lại cực ngon. Rau dễ bị nhừ nếu bạn nhúng quá lâu. Vì vậy khi thả vào chỉ cần đợi ước sôi là có thể vớt ra thưởng thức được cái độ giòn ngọt của xà lách rồi.
- Ngải cứu: Một loại rau khá kén người ăn vì vị đắng của nó. Ở chợ thường có hai loại, một loại đắng vừa và một loại rất đắng. Nếu ăn nhúng lẩu thì bạn hãy chọn loại đắng vừa. Đây là một vị thuốc nam có tính trừ hàn rất tốt. Người thường bị đau đầu ăn thường xuyên sẽ giảm triệu chứng nhanh.
Các món ăn kèm lẩu
Đã không chuẩn bị thì thôi nhưng nếu đã lên kế hoạch để làm lẩu cá trắm đen cho cả gia đình thưởng thức thì bạn cũng cần làm cho ra trò đúng không nào. Vậy nên điểm danh các món ăn nhẹ kèm với lẩu giống như trong các nhà hàng mà chúng ta cũng có thể tự làm tại nhà như:
- Khoai tây chiên.
- Phồng tôm.Cập nhật giá cá trắm đen mới nhất hôm nay – Cách bảo quản cá trắm đen
- Dưa leo.
- Các loại viên thả lẩu.
- Nước ngọt cho hội chị em.
- Bia, rượu cho cánh mày râu.
>>>Xem thêm
Các bước nấu lẩu cá trắm đen tại nhà ngon như đầu bếp chuyên nghiệp
Sơ chế các nguyên liệu
Cá trắm đen: Đây được coi là linh hồn của món lẩu ngày hôm nay. Vậy nên việc chế biến cũng cần tỉ mỉ sao cho cá giữ được độ tươi, giảm tối đa vị tanh của nó:
- Để đảm bảo sự tươi ngon của cá thì khi đi mua chị em cứ chọn những con cá sống, còn bơi lội tung tăng dưới nước mà mua. Nếu ngại về nhà phải sơ chế thì chúng ta nhờ người bán cạo vẩy, mổ bụng lấy nội tạng ra cho. Về nhà chỉ cần sơ chế nốt phần còn lại là được.
- Rửa sạch cá dưới vòi nước nhiều lần. Dùng dao loại bỏ hết vẩy còn lại và phần máu bầm trong bụng cá. Đây là nguyên nhân khiến thịt cá có mùi tanh.
- Dùng muối iot hạt to để làm sạch toàn thân, trong bụng và trong mang cá.
- Rửa lại với nước lần nữa cho sạch.
- Dùng dao để phi lê thịt cá ở cả hai mặt. Thái thịt thành các lát mỏng cho dễ nhúng.
- Giữ nguyên phần khung xương và đầu cá để trang trí.
- Đặt rau thì là đã rửa sạch bên dưới đĩa, để khung xương và đầu lên. Xếp thị cá lên trên dọc theo khung xương theo hình một con cá hoàn chỉnh. Hoặc xếp thành hình hoa.
- Có thể điểm thêm một bông hoa ớt màu đỏ trên đĩa trang trí cho hấp dẫn.
Ngao: Thường thì ngao khi mua về chúng ta sẽ ngâm nước có thả ớt cay được xé nhỏ ra để chúng nhả hết cát. Cần ngâm trong ít nhất 3 tiếng. Sau đó đem ngao rửa sạch với nước.
Mực tươi: Tùy loại mà chúng ta có cách sơ chế khác nhau. Với mực nang hay mực ống còn sống thì chúng ta làm sạch, bỏ túi mực rồi thái thành miếng vừa ăn. Mực trứng thì chỉ cần rửa sạch mà thôi. Đối với các loại mực đông lạnh thì phải giã đông tự nhiên sau đó cũng đem rửa và sơ chế như trên.
Dạ dày: Dùng dao làm sạch rửa rồi thái miếng nhỏ. Bày ra đĩa đợi
Lòng non: Nguyên liệu này có cách sơ chế khá phức tạp. Để nhanh nhất chúng ta cứ cắt lòng thành những đoạn ngắn cỡ hai đốt ngón tay. Đem cho vào chậu, thêm muối hạt to và vắt chanh vào để làm sạch. Cần phải lộn ra lộn vào bên trong ruột để cho hết phần chất nhờn trong đó. Rửa lại nhiều lần như vậy với chanh và muối rồi nước cho đến khi thấy phần nước trong không có váng bẩn là được.
Thịt bò: Đem thái thật mỏng để khi nhúng nhanh chín và ăn không bị dai. Bày ra đĩa để đợi nhúng lẩu.
Cà chua rửa sạch, thái nhỏ.
Nấm thì bỏ gốc, rửa sạch. Thái lát đối với nấm đùi gà.
Các loại cây gia vị, rau nhúng lẩu đem nhặt gốc, phần lá hỏng rồi rửa sạch. Để riêng từng loại rau khi nhúng tùy theo sở thích người ăn mà cho vào nồi. Cho vào rổ làm ráo nước.
Các bước tiến hành
Tiến hành nấu lẩu cá trắm đen đúng chuẩn đầu bếp nhà hàng chuyên nghiệp theo các bước dưới đây nhé:
- Xương ống đem rửa sạch với nước, chần thêm một lần với nước sôi cho đảm bảo. Sau khi vớt ra thì đem ninh. Nước sôi thì để lửa nhỏ liu riu. Cần ninh trong ít nhất 45 phút.
- Phần thảo quả, hoa hồi thì đem nướng hoặc đảo trong chảo cho đến khi có mùi thơm thì thả vào nước hầm xương.
- Nêm nếm các gia vị vào.
- Cho gói lẩu thái chua cay vào nước tạo thành nước lẩu. Hầu hết mọi người đều thích vị lẩu này vì nó dễ ăn, nước dùng chua cay bắt miệng. Và cũng rất tiện ích, chỉ cần đổ thêm vào nước là được, Nếu bạn muốn tự tay chế biến hoàn toàn thì có thể tạo độ chua bằng cách dùng khế, me hay sấu.
- Cho chảo lên bếp, phi thơm hành rồi xào cà chua cho nhừ sau đó đổ cà chua vào nồi lẩu. Nêm nếm lại nước sao cho vừa miệng. Nước cà chua vừa tạo vị chua thanh vừa tạo màu cho nước lẩu.
- Bạn có thể thả ngô ngọt đã được thái miếng nhỏ vào trước cho ngọt nước và nhanh chín hơn.
- Hoàn thành nồi nước dùng, đổ ra nồi lẩu và bày lên bàn cùng các món ăn kèm, nhúng lẩu. Ai thích vị cay có thể thêm sa tế vào.
Hít hà hương vị lẩu cá trắm trong tiết trời se lạnh
Lẩu luôn là lựa chọn thích hợp nhất cho những buổi sum họp gia đình hay tụ tập bạn bè, nhất là trong cái tiết trời Hà Nội đang se se lạnh như thế này. Còn gì bằng cảm giác ấm cúng khi mọi người quây quần bên nồi lẩu vừa ăn vừa trò chuyện. Khói bốc lên nghi ngút từ trong nồi làm xua tan đi không khí lạnh bên ngoài. Tất cả mọi thứ trên bàn sau khi nhúng qua nồi lẩu đều trở nên nóng hôi hổi vừa thổi vừa ăn. Nghĩ thôi cũng thấy nghiền lắm rồi.
Đồ chấm của lẩu không cầu kì như nước chấm đồ nướng mà cần phải nhiều vị. Người ta chỉ đơn giản là lấy muối, thêm vài lát ớt cay và vắt miếng chanh vào, trộn lên cho đều là đã hoàn thành rồi. Nó đơn giản như cái cách người ta ăn lẩu vậy. Thịt, cá, rau sau khi nhúng chín trong nước sẽ đem chấm nhẹ với muối ớt rồi đưa lên miệng. Nó không quá nhạt nhưng cũng không mất đi vị tươi ngon của nguyên liệu. Cá trắm đen thì khỏi phải nói rồi, đây là thượng phẩm trong các loại cá. Thịt cá có vị ngọt, thơm lại giàu chất dinh dưỡng, luôn là thực phẩm bồi bổ được các bà nội trợ lựa chọn trong gia đình.
Bài viết trên đây đã hướng dẫn chi tiết cách chế biến lẩu cá trắm đen sao cho vừa không có mùi tanh lại thơm ngon hấp dẫn. Cá trắm đen còn là nguyên liệu để cho ra rất nhiều món ăn ngon khác như cá trắm kho, cá trắm sốt cà chua, cá trắm nấu canh chua,… Chúc bạn và gia đình có những bữa ăn sum vầy ấp áp!