Bình Định nổi tiếng với Kỳ Co – Eo Gió, khu du lịch Ghềnh Ráng, bãi tắm Hoàng Hậu ở Quy Nhơn, có Hòn Seo, khu dã ngoại Trung Lương, phim trường “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… và là miền đất võ anh hùng. Đến đây, bạn không chỉ thưởng thức cảnh đẹp của thiên nhiên, nơi giao thoa giữa biển và trời mà còn được ăn những món ngon hương vị ẩm thực đậm chất Bình Định. Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về các loại đặc sản Bình Định “nhất định phải thử”:
Những món ăn ngon đặc sản Bình Định
Bún chả cá Quy Nhơn – đặc sản biển Quy Nhơn
Nói đến các vùng biển đẹp của Bình Định không thể không kể tới thành phố Quy Nơn. Ở đây có bãi biển xinh đẹp, bãi tắm Hoàng Hậu, khu du lịch Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử và có cả món bún chả cá nổi tiếng bốn phương. Cũng là bún chả cá nhưng điều làm nên điểm khác biệt giữa bún chả cá Quy Nhơn với nơi khác đó chính là nước dùng và chả cá. Chả được làm từ 100% cá biển tươi ngon, nêm nêm gia vị cùng các nguyên liệu theo công thức riêng nên miếng chả vàng tươi, ăn vào bùi bùi, đậm vị, không hề có mùi tanh. Món ăn có ngon hay không phụ thuộc không nhỏ vào nước dùng. MÀ nước dùng ở đây chính là điều giúp khách du lịch nhớ mãi về hương vị món ăn. Phải nói thế nào nhỉ, nó thanh ngọt, hơi chua nhẹ, được nêm nếm đậm đà. Nói chung là ngon khó cưỡng.
Cua Huỳnh Đế Tam Quan và ghẹ Đề Gi
Cua Huỳnh Đế là một loài cua có kích thước lớn. Vỏ bên ngoài dày, cứng có màu vàng rực được ví như đạo hoàng bào. Loài cua này chỉ có tại ba vùng biển duy nhất của nước ta là Tam Quan (Bình Định), Tuy Phong (Bình Thuận), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Nó được mệnh danh là vua của các loài cua. Thịt nhiều, ngon, giàu chất dinh dưỡng bởi chúng chỉ thích sống ở những nơi có nguồn nước biển sạch mà thôi. Trước đây nó chính là một trong những món ngon chuyên dùng để tiến vua. Ngư dân cho biết ràng mùa đánh bắt cua Huỳnh Đế rộ nhất là mùa xuân, khoảng tháng 1 đến tháng 3. Nếu bạn đến du lịch Bình Định này thì đừng nên bỏ qua.
Một loài hải sản cũng rất được yêu thích ở Bình Định đó là ghẹ Đề Gi. Người ta thu bắt được ghẹ nhiều nhất từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch, còn lại thì bắt được ít hơn. Không phải là loại hải sản đắt đỏ như cua Huỳnh Đế nhưng đây cũng là hải sản tươi ngon độc đáo của vùng biển này. Ghẹ ở đây có 3 loại là ghẹ nhím, ghẹ nhàn và ghẹ ba ghi. Loại nào cũng thơm ngon. Người dân ở đây thường chế biến bằng cách nấu canh rau muống hay làm ghẹ nấu lá giang cùng lá lốt, ăn ngon không tưởng luôn.
Bánh hỏi Diêu Trì
Ở Bình Định chúng ta hiếm thấy các quán ăn sáng như phở, xôi, bánh cuốn… giống như địa phương khác. Thay vào đó là rất nhiều những quán bánh hỏi lòng heo ven đường. Du khách đến đây du lịch chắc chắn cũng nhận thấy điều này và đoán ra được đặc sản Bình Định tiếp theo mà chúng tôi muốn nói tới là gì.
Món bánh này vốn có nguồn gốc từ Diêu Trì. Bánh được làm bằng bột gạo, cách làm không khác gì sợi bún nhưng thanh sợi bánh hỏi thanh mảnh hơn. Điểm đặc biệt ở đây là cách người Bình Định ăn. Bánh này ăn kèm với lòng heo, và thịt heo luộc thái miếng mỏng, bên cạnh kiểu gì cũng có bát cháo lòng nóng hôi hôi cùng với bát nước mắm tỏi ớt đậm đà pha theo phong cách người miền Trung. Cách ăn này khá lạ miệng. Du khách đến đây nên thử một lần vè món ăn sáng đặc biệt này.
Bánh xèo tôm nhảy
Một món ăn chơi nữa được giới trẻ xứ Nẫu cùng với du khách rất thích đó là bánh xèo tôm nhảy. Không phải là tôm nhảy trên miếng bánh xèo đâu mà là nhiều con tôm nằm im trên bề mặt chiếc bánh xèo cùng với giá đỗ. Người ta ví von là tôm nhảy. Loại tôm này mặc dù nhìn nhỏ vậy mà có võ, thịt chắc và ngọt.
Thích nhất cái cảm giác buổi tối đi dạo quanh phố phường hay đi dọc bãi biển, gặp quán bánh xèo trên đường thì ngồi xà xuống. Cô chỉ quán tay nhanh thoăn thoắt đổ bánh, rắc thêm tôm và giá đỗ lên. Đợi khi bánh chín thì đem ra đĩa mời khách thưởng thức. Miếng bánh vàng, giòn rụm, thịt tôm thơm, giá ngọt ăn kèm với rau sống chấm nước chấm chua ngọt thì cứ phải gọi là ngon bá cháy luôn.
Gà chỉ xôi cháy
Dọc đường quốc lộ 1A từ Quy Nhơn đi sống Cầu du khách sẽ rất dễ dàng nhận ra hai bên đường có rất nhiều những quán gà. Người Bình Định gọi đó là thung lũng gà chỉ. Gà thì thực ra ở đâu cũng có với nhiều cách chế biến khác nhau. Nếu đã đặt chân đến nơi này thì hãy thử dừng xe để ghé quán xem gà ở đây có gì khác biệt. Gọi là gà chỉ bởi vì trong các quán có chuồng nuôi nhốt gà ngay bên ngoài. Khách đi vào thích con nào chỉ con đó, nhân viên sẽ đem đi thịt và chế biến món ăn. Có nhiều món cho bạn lựa chọn đó là gà luộc, nướng, chiên, rang muối… Có một món được đánh giá cao đó là xôi cháy. Xôi được tạo hình tròn rồi đem đi chiên cho hai mặt vàng đều. Vỏ ngoài vàng giòn rụm, ăn với miếng thịt gà thơm béo ngậy. Một món ăn ngon đáng để thử.
Dé bò Tây Sơn
Được coi là cái nôi của vùng đất võ, Tây Sơn – Bình Định là nơi tập trung nhiều anh hùng hào kiệt. Tính cách họ hào sảng trong cả cách nói chuyện và ăn uống. Nếu bạn có người quen ở đây, khi đến Tây Sơn chắc chắn sẽ được họ mời món dé bò. Nguyên liệu nấu dé là từ nội tạng của bò bao gồm ruột non, lòng chay, huyết, lá sách bò. Các nguyên liệu này sẽ được đem đi sơ chế sạch sẽ sau đó thái miếng nhỏ, ướp với muối, tiêu, bột ngọt, hành. Tiếp tục đem xào cho chín thì cho sả đập dập, đổ nước săm sắp vào ninh cho nhừ. Khi chín thì bỏ thêm lá giang, nếm cho vừa miệng người ăn. Người thưởng thức sẽ được đưa cho một cái tô, bên dưới có giá sống, các loại rau gia vị như rau ngò, rau ngổ, lá lốt, hành, rau rắm, ớt tươi… Món dé này ăn dùng để chấm bánh tráng hay ăn với bún đều rất đậm đà. Miếng lòng, lá sách dai giòn, huyết mềm óng ánh, nước dùng đậm đà, thơm mùi các nguyên liệu. Xứng đáng là đặc sản của đất võ.
Bún rạm Phù Mỹ
Bún tươi thì quá que thuộc rồi đúng không. Ở Bình Định nổi tiếng là nước rạm dùng với bún. Con rạm là thuộc họ cua nhưng kích thước nhỏ hơn. Nó có vỏ cứng, mình dẹt, nhiều gạch và thịt. Rạm có nhiều nhất ở vùng đầm Trà Ổ. Thay vì dùng cua chế biến món ăn thì người Bình Định lại thích dùng rạm hơn, nhất là loại rạm cái nhiều gạch, thịt chắc, càng to. Cách chế biến là đem xay nhuyễn, cho chút muối hạt vào gạn lọc với nước gọi là nước cốt rạm. Sau đó đem nấu trên lửa liu riu và làm giống nước riêu cua. Chan với bún tươi thành món bún rạm riêu cua ngon hết ý. Ở đây người ta còn cho cả bánh tráng chiên giòn vào ăn trung, giòn rụm rất đã miệng.
>>>Xem thêm
Đặc sản mua về làm quà khi tới Xứ Nẫu
Nem chợ huyện
Nói đến các loại nem thì Việt Nam tính sơ sơ có đến vài chục . Mỗi địa phương lại có cách chế biến cùng nêm nếm gia vị khác nhau. Ở Bình Định nổi tiếng là món nem chợ huyện. Bởi nó được bày bán rất nhiều ở trong khu chợ trung tâm ở Huyện. Món nem này dùng để làm mồi nhắm cho các đấng mày râu. Hoặc là thức ăn kèm quen thuộc với nhiều món ăn khác như bánh canh chả cá. Cứ húp miếng bánh canh rồi lại nhón miếng nem, nó lại hợp vị lắm luôn. Món ăn này được coi là một trong những đặc sản mua về làm quà được du khách yêu thích nhất tại Bình Định. Nếu đến vùng đất này du lịch bạn đừng quên ghé qua chợ huyện, mua cho mình vài chiếc đem về làm quà cho gia đình và bạn bè nhé.
Rượu Bầu Đá Bình Định
Rượu Bầu Đá có nguồn gốc từ làng Cù Lâm, thuộc xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn. Chuyện kể rằng trước đây nguồn nước của cả dân làng đều dùng chung tại một bàu nước. Ban đầu nước dùng để nấu rượu lấy được chính là từ đây. Vậy nên người dân làng gọi nó là rượu Bầu Đá. Hiện nay bàu nước này đã cạn, họ dùng thay thế bởi những mạch nước ngầm sạch sẽ khác.
Rượu có nồng độ khá cao, thường trên 50 độ. Vì thể chỉ dành cho những người thưởng thức nặng đô mà thôi. Rượu làm từ gạo nứt. Những nhà nào có nghề nấu rượu đều phải trang bị đầy đủ các dụng cụ chuyện dụng làm bằng sành, thuỷ tinh, và tre. Nó có nhiều công dụng đặc biệt mà chỉ dân trong nghề mới hiểu. Một trong số đó là cách họ đánh giá rượu ngon hay không là nghe tiếng rơi của giọt rượu vào vại sành cùng mùi hương thoáng qua. Đến Bình Định hãy làm một chai rượu ngon này về biếu bố, biếu ông ngâm rượu thuốc cực bổ.
Tré Bình Định
Nói đến đặc sản tré thì hẳn những vị khách du lịch đã từng đi nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S này đều biết. Có hai địa phương nổi tiếng với món ăn này. Đó là Huế và Bình Định. Không được tư kĩ càng về vẻ mềm mại bên ngoài, tré Bình Định xuất thân từ mảnh đất võ học lâu đời nên bên ngoài khá là mộc mạc và đơn giản. Đó là một lớp rơm rạ mỏng bọc lấy ruột, được buộc hai đầu bởi 2 sợi lạt mềm. Kích thước nhỏ nhắn giống như cái cán chổi rơm mà các bà, các mẹ vẫn quét lúa ngày xưa.
Bên trong là thịt heo được lựa chọn từ các phần như thịt tai, thịt thủ và ba chỉ. Ngoài ra còn có các phụ liệu khác như thính, mè, riềng, tỏi, ớt. Khi ăn giòn, dai mềm, đậm đà gia vị. Dân võ mà, con người ở đây rất hào sảng, thích uống rượu luận võ, nhắm với tré thì lại rất hợp tình hợp lí. Nếu bạn đến Bình Định mà được mời uống rượu với thức mồi nhắm này, chắn hẳn gia chủ rất quý mến vị khách này.
Mắm nhum Mỹ An – tinh hoa của đất trời
Có thể nói mắm nhum Mỹ An là những giọt mắm chắt lọc tinh hoa của trời đất. Bởi 100kg Nhum chỉ làm ra được 2kg mắm mà thôi. Loài hải sản này còn được biết đến với tên gọi như cầu gai, nhím biển, thuộc dòng nhuyễn thể cùng họ với trai, sò. Nó được bắt gặp nhiều ở các vùng biển từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17. Đây được đánh giá là loại hải sản có giá trị dinh dưỡng cao.
Ở Bình Định có một loại đặc sản được nhiều người yêu thích làm từ nhum đó làm mắm nhum. Các cơ sở chế biến đều tập trung hầu hết ở xã Mỹ An nên nó còn được gọi với tên mắm nhum Mỹ An. Nhum dùng để chế biến phải là loại nhum đen. Cách làm thì cũng không có gì khó nhưng thật sự là tốn nguyên liệu. Mắm chín đúng độ sẽ có màu đỏ đục, thơm phức, chất mắm sền sệt. Mắm là gia vị thường thấy trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Nhất là mắm nhum thì lại càng ngon và càng quý. Dùng làm nước chấm rau củ luộc, hay ăn cùng với bún tươi, chấm rau sống và ba chỉ cuốn bánh tráng rất hợp miệng, ăn rất vào.
Bánh tráng chả cá
Chúng ta rất quen thuộc với các loại bánh tráng được làm từ bột gạo đúng không nào? Thế nhưng ở Bình Đình có một loại bánh tráng lại không hề làm từ nguyên liệu truyền thống này. Khi ăn rất thơm, vị bùi và đậm đà. Đó là đặc sản bánh tráng chả cá. Và đúng như tên gọi, nó làm từ thịt cá xay nhuyễn trộn với bột bắp, bột năng cùng các gia vị khác. Người Bình Định thưởng thức nó bằng cách đem nướng hoặc chiên giòn lên, ăn kèm với rau răm để kích vị. Miếng bánh được tráng mỏng, tròn giống như bánh tráng chúng ta thường thấy, chiên lên sẽ có màu vàng nâu bắt mắt. Khách du lịch có thể tìm mua loại chưa bánh chưa được chiên, đóng túi cẩn thận đem về làm quà cho gia đình.
Hay như ở đây cũng có một loại bánh tráng nữa rất nổi tiếng là bánh tráng nước dừa. Mùi vị thì đặc biệt thơm ngon và hấp dẫn bởi cái vị thơm, béo ngậy của nước cốt dừa sử dụng trong nguyên liệu làm bánh.
Bánh hồng Bình Định
Bánh hồng Bình Định là món bánh đặc sản nổi tiếng của thị trấn Tam Quan. Ấn tượng đầu tiên mọi của mọi người khi nhìn thấy món này đó là trông khá giống mới món chè lam ở ngoài Bắc mình. Và họ chắc mẩm là cũng chỉ đến vậy mà thôi. Nhưng đừng để vẻ bề ngoài đánh lừa thị giác của bạn. Vì đặc sản này thật sự rất ngon. Bánh được làm từ loại gạo nếp Ngự ngon nổi tiếng Tam Quan. Cùng với nguyên liệu khác là đường kính và nước dừa. Miếng bánh mềm mềm, dẻo dẻo, ăn có vị ngọt, thơm, béo ngậy của nước dừa. Phần bên ngoài có xù xì chút bởi bột dừa rắc lên trên.
Bánh được làm theo cách truyền thống và không sử dụng bất cứ chất bảo quản nào. Vì thế hạn sử dụng chỉ được khoảng 5 ngày mà thôi. Nếu ai lỡ mê đắm bởi món này mà muốn mua về làm quà thì tìm đến cơ sở sản xuất để hay cửa hàng để dặn được mua bánh mới hôm về. Ngày sản xuất được in trên bao bì sản phẩm nên bạn hoàn toàn có thể chọn lựa được bánh mới làm.
Bánh ít là gai
Bình Đinh nổi tiếng với nhiều loại bánh ngon. Trong đó bánh đặc trưng phải kể đến là bánh ít lá gai. À, không phải bánh được đặt theo tên theo đặc điểm là bánh thì có ít và có nguyên liệu từ lá gai đâu nhé. Bánh ít không biết là tên do ai nghĩ ra nhưng nó đã có từ rất lâu rồi, và bạn còn có thể bắt gặp ở nhiều địa phương khác nước ta. Nhưng bánh ít lá gai lại có nguồn gốc từ Bình Định, sau đó món bánh ngon này được đem truyền công thức cho khắp các tỉnh ở miền trung.
Bánh làm từ bột gạo, nhân đậu xanh nghiền mịn trộn đều với đường có vị ngọt thơm. Bột bánh được trộn với lá gai luộc chín tạo thành màu đen tuyền bắt mắt cho lớp bột bên ngoài. Đây là một loại lá thảo dược có tính mát gan thơm được người Việt Nam sử dụng trong nhiều loại bánh khác nữa. Miếng bánh được gói có hình chóp, bên ngoài là lá chuối tươi. Hầu như ai đến Bình Định du lịch về đều xách trên tay dăm ba chục chiếc bánh này về làm quà cho gia đình.
Mực ngào Bình Định
Đây là một tỉnh gần biển thì chắc chắn không thể thiếu đặc sản về mực rồi. Nói đến đặc sản mua làm quà ở Bình Định sẽ có nhiều người nghĩ ngay đến món mực ngào. Mực được đem phơi sấy khô. Tiếp đến là dùng máy cán cho mỏng, bông lên sợi mực. Rồi cuối cùng là đem đi ngào chua ngọt. Mực ngào có màu đỏ tươi, ăn vào có vị của tiêu tỏi ớt và đường. Món này dùng làm món ăn chơi hoặc mồi nhắm bia cho các ông chồng thì nhất rồi còn gì nữa.
Nghe kể là đã thấy hấp dẫn rồi phải không. Một chuyến du lịch đến Bình Định để thưởng thức hết những đặc sản trên là điều đang thôi thúc bạn lúc này? Bởi nơi đây hấp dẫn du khách không chỉ bởi thiên nhiên tươi đẹp mà còn là những món đặc sản Bình Định chính gốc. Chúc bạn có được một chuyến đi vui vẻ.